Ngành Kỹ Thuật Xây Dựng Công Trình Giao Thông   

Ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (Transportation Engineering)                                                                                           

Mã ngành: 7580205

1. Mục tiêu đào tạo

1.1    Mục tiêu đào tạo chung

Chương trình Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trình độ đại học đào tạo kỹ sư có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị tốt, có lòng yêu nước, yêu ngành nghề; có ý chí lập thân, lập nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp với tư duy năng động, sáng tạo; có tinh thần trách nhiệm, tác phong văn minh, ý thức tổ chức kỹ luật, rèn luyện sức khoẻ để phục vụ ngành nghề; có trình độ chuyên môn về kỹ thuật công trình giao thông, có năng lực lãnh đạo và làm việc thích ứng với sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu của quốc tế.

1.2    Mục tiêu đào tạo cụ thể

- Đào tạo người học có những kiến thức khoa học cơ bản về lý luận chính trị, xã hội, kiến thức quốc phòng an ninh, công nghệ thông tin cơ bản và ngoại ngữ;

- Đào tạo người học có những kiến thức cơ sở, kiến thức chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (KTXDCTGT) về khảo sát, thiết kế, thi công, kiểm định và quản lý các công trình giao thông, có những kiến thức cơ bản thuộc chuyên ngành gần như kỹ thuật xây dựng công trình thủy, kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật môi trường;

- Đào tạo người học có sức khỏe, đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội, có những kỹ năng trong công việc (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học), có ý thức học tập suốt đời, và có khả năng thích ứng và làm việc trong môi trường toàn cầu hóa

2. Chuẩn đầu ra

Hoàn thành chương trình đào tạo Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trình độ đại học, người học nắm vững các kiến thức, có những kỹ năng và thể hiện được mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân như sau:

2.1    Kiến thức

2.1.1 Khối kiến thức giáo dục đại cương

  1. Chương trình đào tạo trang bị cho người học những kiến thức về khoa học chính trị, xã hội và nhân văn, pháp luật, đạo đức, rèn luyện thể chất và an ninh quốc phòng;
  2. Chương trình đào tạo trang bị cho người học những kỹ năng áp dụng kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên để đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật công trình giao thông;
  3. Hiểu và vận dụng được các kiến thức cơ bản về tiếng Anh hoặc tiếng Pháp tương đương trình độ bậc 3/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (B1 theo khung tham chiếu Châu Âu);
  4. Hiểu rõ các kiến thức cơ bản về các vấn đề đương đại.

 2.1.2 Khối kiến thức cơ sở ngành

  1. Nắm vững kiến thức cơ bản về thiết lập hệ thống tài liệu thiết kế kỹ thuật, địa chất công trình, cơ học đất, trắc địa, thủy văn công trình đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát địa chất, địa hình nhằm đưa ra các giải pháp hợp lý phục vụ cho công tác thiết kế, thi công, quản lý và quy hoạch công trình giao thông;
  2. Phân tích và vận dụng kiến thức về cơ học để tính toán thiết kế kết cấu công trình giao thông và các công trình phụ tạm phục vụ cho công tác thiết kế, thi công công trình giao thông;
  3. Nắm vững và áp dụng kiến thức về vật liệu xây dựng phục vụ cho công tác thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và kiểm định công trình giao thông.

2.1.3 Khối kiến thức chuyên ngành

  1. Nắm vững chuyên sâu về thiết kế tổng thể một công trình và một hạng mục công trình bao gồm: điều tra khảo sát lấy số liệu phục vụ thiết kế; sử dụng vật liệu; quy hoạch mặt bằng; thiết kế kiến trúc và thiết kế kết cấu, tính toán phân tích nội lực và tính toán kiểm tra kết cấu của công trình thuộc chuyên ngành đào tạo: cầu, đường, hầm, cảng...;
  2. Phân tích kỹ thuật thi công, kiểm định và cải tạo công trình bao gồm kỹ thuật và tổ chức thi công, kiểm định, phân tích và đánh giá chất lượng công trình liên quan đến chuyên ngành đào tạo;
  3. Đánh giá và lập dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm lập dự án đầu tư xây dựng công trình, lập báo cáo kinh tế kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có quy mô từ nhỏ, vừa đến quy mô dự án lớn, phân tích đánh giá tác động kinh tế - xã hội, tác động môi trường các dự án;
  4. Phân tích tác động của các giải pháp kỹ thuật lên xã hội trong bối cảnh toàn cầu.

2.2    Kỹ năng

2.2.1 Kỹ năng cứng

  1. Tư vấn, khảo sát, thiết kế, quy hoạch hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, và các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực XDCTGT;
  2. Tổ chức thi công, chỉ đạo thi công các công trình trong lĩnh vực XDCTGT;
  3. Quản lý điều hành và quản lý khai thác các công trình trong lĩnh vực XDCTGT.

2.2.2 Kỹ năng mềm

  1. Có kỹ năng giải quyết vấn đề đặt ra trong lĩnh vực XDCTGT thông qua các phần mềm chuyên dụng và đồ án môn học;
  2. Có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm như kỹ năng bao quát công việc, nhận biết vai trò của cá nhân và các thành viên khác trong nhóm, phân công, theo dõi, đôn đốc, giải quyết vướng mắc, phân tích, tập hợp, quyết định vấn; trình bày, giải thích những giải pháp phức tạp, giải pháp thay thế thông qua các báo cáo kỹ thuật theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp (đồ án môn học, báo cáo thuyết trình môn, đồ án tốt nghiệp, các đề tài nghiên cứu khoa học);
  3. Tìm và tập hợp tài liệu kỹ thuật (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) thông qua sách, báo, tạp chí hoặc qua Internet.

2.3     Thái độ/Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân

- Có trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp;

- Có ý thức về pháp luật, đạo đức, giữ gìn sức khỏe và quốc phòng;

- Nhận thức được sự cần thiết của việc học suốt đời.

3. Vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp

- Các Sở, Phòng, Ban quản lý về xây dựng cơ bản, như: Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án công trình xây dựng các cấp, Phòng kinh tế - kỹ thuật - hạ tầng của các Huyện, ...;

- Các công ty tư vấn khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý dự án xây dựng;

- Quản lý xây dựng cơ bản ở các cơ quan, xí nghiệp sản xuất;

- Các trung tâm, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng công trình giao thông;

- Các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao Đẳng và Trung học chuyên nghiệp về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông;

- Làm nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp.

4. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

- Có khả năng học tiếp lên trình độ cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) trong và ngoài nước thuộc chuyên ngành xây dựng công trình giao thông hoặc các ngành gần khác.

- Học thêm các khóa bồi dưỡng ngắn hạn (cấp chứng chỉ) phục vụ chuyên ngành như: Kỹ sư giám sát công trình, Chỉ huy trưởng công trình, Kỹ sư thiết kế, Kỹ sư định giá, Quản lý dự án xây dựng, Quản lý phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, nghiệp vụ đấu thầu.v.v…

 

 

Khoa Kỹ Thuật Công trình Giao thông
Địa chỉ: Trường Bách khoa - Đại Học Cần Thơ, Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Email: kcn-bmktctgt@ctu.edu.vn. Trưởng khoa: Tiến sĩ Phạm Hữu Hà Giang Email: phhgiang@ctu.edu.vn